Học Phân tích Kỹ thuật chuẩn CMT (Hồi III - Chương 14): Giới thiệu về độ rộng thị trường (Market Breadth)

Học Phân tích Kỹ thuật chuẩn CMT (Hồi III - Chương 14): Giới thiệu về độ rộng thị trường (Market Breadth)

Học Phân tích Kỹ thuật chuẩn CMT (Hồi III - Chương 14): Giới thiệu về độ rộng thị trường (Market  Breadth)

Mạc An

Junior Mod
Thành viên BQT
Trial mod
17,874
84,491
HỌC PHÂN TÍCH KỸ THUẬT CHUẨN CMT là 1 series của traderviet, được đăng vào lúc 20:00 các tối thứ 3 và thứ 5 hàng tuần mới mục đích giúp anh em cùng ôn tập CMT. Series này sẽ được traderviet biên tập lại dựa trên giáo trình thi CMT.

----

Độ rộng thị trường (Market Breadth)


Vào bất kỳ thời điểm nào, giá cổ phiếu cũng sẽ làm một trong ba điều sau: đóng cửa cao hơn, đóng cửa thấp hơn hoặc không thay đổi so với giá đóng cửa của ngày hôm trước. Nếu giá đóng cửa hôm nay cao hơn giá đóng cửa hôm trước đó, thì giá được coi là tăng. Tương tự như vậy, một cổ phiếu đóng cửa dưới giá đóng cửa của ngày hôm trước là một cổ phiếu đang giảm giá. Một cổ phiếu đóng cửa ngang mức giá đóng cửa ngày hôm trước được gọi là không thay đổi.

Trước tháng 7 năm 2000, tất cả những thay đổi ít hơn 1 đô la (hoặc 1 điểm) trong giá cổ phiếu đều ở dạng phân số dựa trên hệ bát phân (hệ 8 cơ số). Đến tháng 2 năm 2001, các hệ thống tứ phân, bát phân và thập lục phân đã bị loại bỏ và được thay thế 100% bằng hệ thống thập phân. Việc sử dụng số thập phân là một sự thay đổi mang tính chất lịch sử. Kết quả là chênh lệch giá mua/giá bán đã nhỏ hơn, giúp làm giảm số lượng cổ phiếu không thay đổi giá vào cuối ngày.

Dữ liệu Số cổ phiếu tăng/Số cổ phiếu giảm được gọi là “Độ rộng của thị trường chứng khoán” (Market Breadth). Chỉ báo này giúp chúng ta đo lường sức mạnh nội tại của thị trường bằng cách xem xét liệu số cổ phiếu đang tăng giá nhiều hơn hay giảm giá nhiều hơn. Trong phần này, chúng ta sẽ nghiên cứu tất cả các chỉ báo có thể sử dụng đo lường độ rộng thị trường như Cumulative breadth line, Advance-decline ratio, Breadth differences và Breadth thrust,...

Screen Shot 2023-04-18 at 16.00.17.png


Tuy nhiên, trước khi bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn về các chỉ báo cụ thể này, chúng ta phải đề cập đến một thay đổi mới xảy ra gần đây. Kể từ năm 2000, một số tham số của chỉ báo đo lường độ rộng thị trường được cho là cung cấp tín hiệu chính xác đã không còn duy trì được sự hiệu quả. Các chỉ báo đã từng dự báo chính xác thời điểm đảo chiều của thị trường chứng khoán đã không còn đạt yêu cầu. Có thể có nhiều hơn một lý do cho sự thay đổi đột ngột này và một số lý do chưa được biết đến.

Một yếu tố đã khiến các tham số cũ thay đổi là sự gia tăng của các sản phẩm được giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán New York, bao gồm các quỹ ETF, quỹ trái phiếu, quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REITs), cổ phiếu ưu đãi và chứng chỉ tiền gửi Mỹ (ADR) của các cổ phiếu nước ngoài. Những sản phẩm tài chính này không đại diện cho các công ty hoạt động trong nước và do đó, không phụ thuộc trực tiếp vào khả năng hoạt động của công ty. Chúng chịu nhiều ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố không liên quan đến thị trường chứng khoán, hay nói cách khác là chúng không phản ánh cơ chế chiết khấu truyền thống của thị trường.

Một lý do khác có thể đến từ việc thực hiện chuẩn hóa bằng cách sử dụng hệ chữ số thập phân như đã nói ở trên. Nhiều thành phần nằm bên trong chỉ số đo lường độ rộng thị trường đã được tính toán trước khi “thập phân hóa” mặc dù các tham số tối ưu của chúng đã thay đổi. Bài học quan trọng cho các nhà phân tích kỹ thuật là các chỉ số không phải là hằng số. Các tham số cho các chỉ số sẽ thay đổi theo thời gian, cùng với những thay đổi về cấu trúc trên thị trường. Nhà phân tích phải thường xuyên kiểm tra các chỉ số và thực hiện các điều chỉnh thích hợp về phân loại cũng như thông số được sử dụng.

Breadth Line hay còn gọi là Advance/Decline Line


Chỉ báo Breadth Line hay còn gọi là Advance/Decline Line, là một trong những chỉ báo phổ biến nhất và tốt nhất để đo lường độ rộng và sức mạnh nội tại của thị trường. Chỉ báo này là tổng của các cổ phiếu tăng giá trừ đi các cổ phiếu giảm giá. Công thức chuẩn cho Breadth Line như sau:

Breadth Line (Ngày T) = (Số Cổ phiếu tăng giá (Ngày T) - Số cổ phiếu giảm giá (Ngày T)) + Breadth Line (Ngày T–1)

Vào những ngày mà số lượng cổ phiếu tăng giá vượt quá số lượng cổ phiếu giảm giá, Breadth Line sẽ tăng lên. Vào những ngày có nhiều cổ phiếu giảm nhiều hơn là tăng, đường này sẽ giảm.

Breadth Line có thể được xây dựng cho bất kỳ chỉ số chứng khoán, nhóm ngành, hoặc rổ cổ phiếu nào. Ngoài việc được tính bằng dữ liệu hàng ngày, nó cũng có thể được tính bằng dữ liệu hàng tuần hoặc cho bất kỳ khoảng thời gian nào. Nó không được áp dụng cho các thị trường hàng hóa nơi các rổ hoặc chỉ số hàng hóa hiếm khi được giao dịch, mặc dù điều này đang thay đổi với sự ra đời của Chỉ số Hàng hóa CRB, Chỉ số Hàng hoá của Goldman Sachs và thị trường chỉ số tương lai Dow Jones.


Thông thường, đồ thị của Breadth Line sẽ mô phỏng gần đúng chỉ số trung bình của thị trường chứng khoán. Nói cách khác, khi chỉ số trung bình của thị trường chứng khoán tăng lên, thì Breadth Line sẽ tăng lên. Điều này khá dễ hiểu, bởi một đợt phục hồi của thị trường thường sẽ do phần lớn các cổ phiếu tăng giá.

Tuy nhiên, sẽ có những thời điểm Breadth Line không thể mô phỏng chỉ số trung bình và cung cấp các tín hiệu phân kỳ. Ví dụ: nếu chỉ số trung bình của thị trường chứng khoán đang tăng nhưng Breadth Line đang giảm. Lý do là chỉ một số ít cổ phiếu tăng mạnh, thúc đẩy đà tăng của chỉ số trung bình, còn phần lớn các cổ phiếu hoặc không góp phần vào đà tăng này hoặc giảm giá. Khi đó, chúng ta có thể tạm kết luận rằng, đà tăng hiện tại là giả hoặc có những sự bất thường đang diễn ra, và rõ ràng là chúng ta không nên tham gia thị trường vào lúc này.

Mặc dù đây là một công cụ hữu hiệu giúp các nhà phân tích chỉ ra những điểm bất thường trong đà tăng/giảm của thị trường, nhưng cũng có một số nghiên cứu cho thấy tín hiệu phân kỳ giữa chỉ số trung bình thị trường và chỉ báo độ rộng thị trường không còn mạnh mẽ như trong quá khứ.

Lý do đầu tiên là sự gia tăng các sản phẩm tài chính được niêm yết trên sàn giao dịch như đã được thảo luận trước đây. Để giải quyết vấn đề này, các nhà phân tích kỹ thuật đã chuyển sang sử dụng số liệu đo lường độ rộng của các cổ phiếu phổ thông đại diện cho các công ty sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ thực sự thay vì chỉ số đo lường độ rộng của toàn bộ sàn. Ví dụ, Sàn giao dịch chứng khoán New York cũng đã cung cấp báo cáo số liệu thống kê riêng lẻ cho các cổ phiếu phổ thông, bỏ qua nhiều quỹ tương hỗ, cổ phiếu ưu đãi, v.v. Những dữ liệu này có sẵn trên hầu hết các tờ báo tài chính và được công bố hàng ngày. Breadth Line được tính toán từ những dữ liệu này nhìn chung đáng tin cậy hơn so với Breadth Line bao gồm tất cả các cổ phiếu. Ngoài những số liệu thống kê có sẵn công khai, các số liệu thống kê độc quyền cũng đã ra đời. Ví dụ: Lowry's Reports, Inc. (www lowrysreports.com) đã tính toán số liệu thống kê về độ rộng độc quyền, loại bỏ tất cả các cổ phiếu ưu đãi, ADR, quỹ tương hỗ, REIT và các cổ phiếu đại diện cho các công ty phi sản xuất.

Một lý do khác, rõ ràng nhất là lãi suất dài hạn đã mất dần sự ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán. Từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 đến thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước, chu kỳ kinh doanh được đặc trưng bởi việc thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán chạm đáy gần như đồng thời, và thị trường trái phiếu đạt đỉnh sớm hơn thị trường chứng khoán đạt đỉnh. Nhưng vào cuối những năm 1990, mối quan hệ chu kỳ kinh doanh này bị phá vỡ hoàn toàn, chuyển sang mối quan hệ gần như ngược lại, theo đó thị trường trái phiếu có xu hướng chuyển động ngược lại với thị trường chứng khoán. Bởi vì số liệu thống kê bề rộng thị trường bao gồm một số lượng lớn các cổ phiếu ảnh hưởng bởi lãi suất không bao gồm trong các chỉ số trung bình phổ biến, nên sự thay đổi trong mối quan hệ này có thể là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trong các quy tắc giao dịch sử dụng chỉ báo độ rộng, cụ thể là tín hiệu phân kỳ giữa Breadth Line và chỉ số trung bình sẽ mạnh hơn ở đỉnh và yếu hơn ở đáy.

Một số chỉ báo sử dụng khái niệm Breadth Line xuất hiện trong tài liệu phân tích kỹ thuật cổ điển đã không hoạt động tốt trong các điều kiện thị trường gần đây, nhưng các nhà phân tích kỹ thuật phải nắm được và hiểu rõ các chỉ báo truyền thống này, vì chúng có thể trở nên hữu ích vào một lúc nào đó trong tương lai.

----

Bài học phía trên được biên tập lại bởi traderviet (rút gọn bớt, và tóm vào những ý chính quan trọng). Anh em đọc và tham khảo, nếu có gì phản biện hoặc yêu cầu anh em có thể để lại comment để chúng mình biết nhé. Anh em nào muốn ôn luyện thì để lại comment để được tag vào các bài sau nhé!


Chúc anh em ôn tập tốt!
Mạc An
 

Giới thiệu sách Trading hay
Phương Pháp Thực Chiến Hiệu Suất Cao Của Nhà Quán Quân Giao Dịch Tài Chính

Sách hướng dẫn phương pháp giao dịch hiệu suất cao của tác giả Robert Miner, người đã từng nhiều lần vô địch và đạt thứ hạng cao tại các cuộc thi trading toàn thế giới

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT

  • Huan2051 trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 295,942 Xem / 1,400 Trả lời
  • Mạc An trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 46 Xem / 1 Trả lời
  • Pon911 trong Kiến thức Trading - Kinh nghiệm Trading 3,801 Xem / 4 Trả lời
  • Quíc Óp trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 300 Xem / 2 Trả lời
  • DuongHuy trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 310 Xem / 11 Trả lời
  • Tín Phong trong Phân tích Chứng khoán Việt Nam 85,688 Xem / 280 Trả lời
  • AdBlock Detected

    We get it, advertisements are annoying!

    Sure, ad-blocking software does a great job at blocking ads, but it also blocks useful features of our website. For the best site experience please disable your AdBlocker.

    Back
    Bên trên